Bệnh hen suyễn ở trẻ sơ sinh
Hen suyễn ở trẻ sơ sinh có xu hướng ngày càng gia tăng. Những triệu chứng hen suyễn xuất hiện ở trẻ khi đường dẫn khí tiếp xúc với các chất kích ứng. Sau đó phản ứng dị ứng khiến cho chúng sưng lên, co thắt và tiết dư thừa chất nhầy. Do đó, phụ huynh cần nắm rõ những biểu hiện để phát hiện sớm và điều trị để tránh những tai nạn không mong muốn.
Xem thêm: Bệnh hen suyễn và cách điều trị như thế nào?
Hen suyễn ở trẻ sơ sinh
Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản, là một bệnh hô hấp mạn tính rất thường gặp ở trẻ em. Đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản người bệnh sẽ bị co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy. Gây tắc nghẽn làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở.
Yếu tố kích thích các đợt khởi phát hen suyễn ở trẻ em thường là do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như: phấn hoa, lông thú, khói thuốc lá, hóa chất; do nhiễm trùng không khí, do thay đổi thời tiết,…
Các triệu chứng gợi ý trẻ bị hen suyễn:
- Trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là ho nhiều về đêm. Ho là một phản ứng của cơ thể giúp đẩy các chất bài tiết hoặc các dị nguyên ra ngoài. Ho là triệu chứng của nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác nhau. Nhưng nếu tình trạng ho kéo dài, ho đặc biệt nhiều vào ban đêm thì có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
- Thở khò khè: Do phế quản bị phù nề, không khí qua phế quản bị cản trở tạo nên âm thanh khò khè. Đây được coi là dấu hiệu điển hình của hen suyễn.
- Khó thở, hơi thở rất nhanh và gấp: Trẻ bị khó thở do đường thở bị co hẹp, hiện tượng thở nhanh, thở gấp sẽ nặng hơn khi trẻ vận động như chạy bộ, leo cầu thang,…
- Mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi: Khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy trẻ sẽ có các dấu hiệu mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, ra mồ hôi.
Hen suyễn có nguy hiểm không?
Trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh hen cao gấp đôi so với người lớn (tỉ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em là 10% so với người lớn là 5%). Nhóm trẻ em 12-13 tuổi ở nước ta mắc bệnh hen cao hàng đầu Châu Á. Và xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hen suyễn ở trẻ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Xẹp phổi: Đây là một biến chứng thường gặp, xuất hiện ở hơn 1/3 trẻ em nhập viện do hen phế quản. Khi hen được kiểm soát, tình trạng xẹp phổi sẽ được cải thiện.
- Giãn phế nang đa tiểu thùy: Ở bệnh nhân bị hen, sự đàn hồi của các phế nang sẽ giảm dần theo thời gian dẫn đến giảm thể tích khí thở ra, khí cặn tăng.
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Bệnh hen phế quản làm các phế nang bị giãn rộng. Tại các vùng phế nang bị giãn ít có mạch máu nuôi dưỡng, áp lực trong phế nang tăng. Khi phải làm việc nặng hoặc ho mạnh, phế nang dễ bị vỡ gây tràn màng phổi, tràn khí trung thất.
- Ngừng hô hấp kèm tổn thương não: tình trạng suy hô hấp kéo dài gây ra thiếu oxy não.
- Suy hô hấp: thường gặp ở các bệnh nhân hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Bệnh nhân khó thở liên tục, tím tái, đôi lúc ngừng thở và phải được sự hỗ trợ của máy thở. Đây là một tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong.
Cách chăm sóc trẻ nhỏ bị hen suyễn
Cần tránh những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen suyễn
- Không để vật nuôi trong nhà
- Không hút thuốc là trong nhà ở nơi gần trẻ
- Không để những chất nặng mùi trong nhà. Tránh các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng. Tránh nhang khói.
- Duy trì không khí sạch và trong lành: Mở rộng cửa sổ khi trời nóng ngột ngạt. Khi có khói bếp hoặc trong phòng có mùi khó chịu. Đóng cửa sổ nếu không khí bên ngoài nhiều khói xe, khói nhà máy, bụi phấn hoa
- Chỗ ngủ của trẻ: cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngắn nắp, gọn gàng. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, rồi phơi khô ngoài nắng. Không cho vật nuôi lên giường hoặc vào nơi trẻ ngủ.
- Vấn đề ăn uống: ngoài những loại thức ăn mà trẻ bị dị ứng. Các nhà chuyên môn cũng thường khuyên tránh bột ngọt, đồ hộp, lòng trắng trứng.